Ngày 22/11, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng phối hợp với Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Đại học Duy Tân và Đại học New South Wales - Sydney, Australia tổ chức Hội thảo quốc tế “Kết nối công nghệ Đà Nẵng – Australia”. Sự kiện, nằm trong chuỗi hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ theo Quyết định số 963/QĐ-UBND ngày 11/5/2023 của UBND thành phố ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ thành phố Đà Nẵng đến năm 2030.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc, bà Lê Thị Thục, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng cho biết: “Sau thành công của chuyến đi kết nối tại Australia vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ mong muốn mang những giải pháp công nghệ mới từ Australia về Đà Nẵng, giúp các doanh nghiệp, Viện nghiên cứu, trường đại học nắm bắt được những xu hướng công nghệ hiện đại và kết nối với các đối tác tại Australia, đồng thời giới thiệu các chính sách hỗ trợ và công nghệ tiêu biểu của Đà Nẵng đến các đối tác quốc tế. Qua đó góp phần thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm”.
Bà Lê Thị Thục, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng
Tại tham luận về cơ chế, chính sách thử nghiệm có kiểm soát Sandbox, ông Võ Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng, đã giới thiệu khái quát về các tiêu chí, điều kiện lựa chọn, trình tự thủ tục đăng ký, thẩm định và cấp phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với các giải pháp công nghệ mới trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Hiện cơ chế này đang trong quá trình dự thảo và sẽ sớm được ban hành nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố.
Báo cáo viên tham luận tại Hội thảo
Trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu khách mời nghe những chia sẻ của Giáo sư Yeoh Guan Heng từ Đại học New South Wales về các giải pháp chống cháy cho công trình trọng điểm và Giáo sư Nguyen Hanh Do về máy tính lượng tử trong giảng dạy và an ninh mạng. Ngoài ra, TS. Lê Văn Chung, Giám đốc Trung tâm CVS, Đại học Duy Tân cũng giới thiệu công nghệ mô phỏng và tương tác toàn diện trong đào tạo kỹ thuật ô tô thông minh.
Đại biểu chia sẻ, thảo luận tại Hội thảo
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc từ các đại biểu, tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát Sandbox. Những đề xuất đáng chú ý xoay quanh quy trình xét duyệt, tư cách pháp nhân của đơn vị thử nghiệm, và các chính sách hỗ trợ cụ thể. Đặc biệt, vấn đề xác lập quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao quyền với các sản phẩm thử nghiệm thành công nhận được sự quan tâm lớn, mở ra nhiều giải pháp thiết thực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn.
Ngoài ra, các đại biểu cũng quan tâm đến những điều kiện và tiêu chuẩn đối với các sản phẩm công nghệ đến từ Australia, nhằm đảm bảo quá trình chuyển giao công nghệ diễn ra thuận lợi và phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong nước.
Hình ảnh tham quan, làm việc tại các đơn vị
Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu đã có buổi thăm và làm việc tại Trung tâm Dịch vụ tổng hợp - Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Công ty Trung Nam EMS và Trường Đại học Swinburne cơ sở Đà Nẵng. Chuyến tham quan không chỉ giới thiệu các hoạt động khoa học công nghệ tiên tiến của Đà Nẵng, mà còn giới thiệu về chính sách ưu đãi tại Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, nguồn nhân lực chất lượng cao, các chương trình giáo dục chuẩn quốc tế đến các đối tác Australia, mở ra cơ hội kết nối sâu rộng giữa các doanh nghiệp địa phương và đối tác quốc tế, góp phần thúc đẩy hợp tác và chuyển giao công nghệ hiệu quả.
Hình ảnh tham quan, làm việc tại các đơn vị
Hội thảo là một phần trong chiến lược của Đà Nẵng nhằm phát triển thị trường khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng của thành phố.
Ảnh lưu niệm tại Hội thảo