Đà Nẵng vinh dự nhận Giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam năm 2022” với hạng mục Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
02/12/2022 Anonym
Ngày 01-12-2022, tại Lễ Vinh danh và trao thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam năm 2022” được tổ chức tại Hà Nội, thành phố Đà Nẵng đã vinh dự nhận Giải thưởng Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (City for innovation and startups).
Ngày 01-12-2022, tại Lễ Vinh danh và trao thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam năm 2022” được tổ chức tại Hà Nội, thành phố Đà Nẵng đã vinh dự nhận Giải thưởng Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (City for Innovation and Startups). Sự kiện này nằm trong trong khuôn khổ hoạt động của Hội nghị thượng đỉnh thành phố thông minh Việt Nam 2022 do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức.
Ảnh: Ông Lê Đức Viên - Giám đốc Sở KH&CN TP. Đà Nẵng (đứng giữa) nhận Giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam năm 2022” với hạng mục Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng đã đăng ký tham gia lĩnh vực giải thưởng “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” với các nội dung về: Hành lang pháp lý; Các chính sách, chương trình, hoạt động khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố; Số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm 2020, 2021; Các chính sách của thành phố cho startups; Các chương trình hỗ trợ, thúc đẩy startups năm 2020, 2021; Tổng ngân sách cho hỗ trợ, thúc đẩy startups năm 2020, 2021; Các đơn vị phụ trách, vườn ươm, trung tâm hỗ trợ/thúc đẩy khởi nghiệp; Kết quả đạt được trong 2020, 2021; Các giải thưởng/danh hiệu/bằng khen/giấy khen đã đạt được (đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực thành phố thông minh).Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam (Smart City Award Vietnam) là giải thưởng thường niên được VINASA tổ chức từ năm 2020 nhằm ghi nhận, tôn vinh, cổ vũ các đô thị, tổ chức, doanh nghiệp đã và đang có những đóng góp giúp các thành phố trở nên thông minh hơn, đáng sống hơn, có thương hiệu, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
Ngày 28/10/2022, Hội đồng bình chọn Chung tuyển “Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2022” do Tiến sĩ Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Chủ tịch, cùng 18 thành viên đã họp tại Hà Nội. Trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá Vòng thuyết trình, Hội đồng đã tiến hành bình chọn công minh, theo đúng các tiêu chí và quy chế của Giải thưởng và đã chọn được 46 đề cử từ tổng số 90 đề cử tham gia để trao Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2022, trong đó thành phố Đà Nẵng đã vinh dự được công nhận đạt giải. Tính đến nay, thành phố Đà Nẵng đã có 03 năm liền được công nhận đạt giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam” (2020, 2021, 2022).
Về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, thời gian qua đã đạt nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt là sự đầu tư hoàn thiện cơ chế chính sách và cơ sở hạ tầng hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cụ thể:
* Về cơ chế chính sách
Trên cơ sở Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Thành phố Đà Nẵng đã ban hành 19 văn bản, cơ chế, chính sách, kế hoạch liên quan đến việc xây dựng đô thị đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong đó nổi bật là: Chương trình số 36-CTr/TU ngày 13/01/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về Phát triển công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao; Quyết định số 3836/QĐ-UBND ngày 13/10/2020 của UBND thành phố về phê duyệt “Đề án Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên”; Nghị quyết số 328/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND thành phố quy định nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 (Nghị quyết số 328/NQ-HĐND), …
Đối với Nghị quyết số 328/NQ-HĐND thành phố Đà Nẵng có nhiều điểm nổi bật hơn so với các nội dung của Quyết định số 844/QĐ-TTg như: Hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các dự án tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp trong nước và quốc tế; tổ chức Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học cấp thành phố. Đây là các nội dung có tác động lớn cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của địa phương.
Bên cạnh đó, tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 02/TB-VPCP ngày 04/01/2022 về thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng ong đó có nội dung giao “Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND thành phố Đà Nẵng và các cơ quan liên quan xem xét việc cho phép thành phố Đà Nẵng được áp dụng toàn bộ cơ chế, chính sách quy định tại Nghị định số 94/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2020”. Việc cho phép thành phố Đà Nẵng áp dụng các cơ chế, chính sách theo Nghị định số 94/2020/NĐ-CP sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hiện nay, UBND thành phố đã có văn bản đề xuất nội dung gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
* Một số chính sách đặc thù của thành phố Đà Nẵng
Bên cạnh các chính sách dành riêng cho hoạt động hỗ nghiệp khởi đổi mới sáng tạo, thành phố Đà Nẵng cũng đã ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như:
- Chính sách hỗ doanh nghiệp đổi mới công nghệ: Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu triển khai có hiệu quả Quyết định 36/2016/QĐ-UBND ngày 08/11/2016 của UBND thành phố Đà Nẵng ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và Quyết định số 26/2019/QĐ-UBND ngày 16/5/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ban hành kèm theo Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND. Nội dung chính sách tập trung hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ và các hoạt động về đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, tư vấn công nghệ. Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ hơn 60 lượt doanh nghiệp với kinh phí hỗ trợ gần 8 tỷ đồng.
- Chính sách hỗ trợ về sở hữu trí tuệ: UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3836/QĐ-UBND ngày 29/11/2021 về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, đồng thời, Hội đồng nhân dân thành phố cũng đã ban hành Nghị quyết số 62/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 về Quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Nội dung chính sách tập trung triển khai thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức, chất lượng nguồn lực về sở hữu trí tuệ; khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động tạo ra và xác lập tài sản trí tuệ; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ. Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đang triển khai thực hiện 01 nhiệm vụ cấp quốc gia, 02 nhiệm vụ cấp thành phố, 02 nhiệm vụ cấp cơ sở và hỗ trợ nhiều doanh nghiệp đăng ký bảo hộ xác lập quyền sở hữu trí tuệ.
* Về cơ sở hạ tầng hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1760/QĐ-UBND ngày 21/5/2021 về việc thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng, đồng thời ban hành UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 2202/QĐ-UBND ngày 18/8/2022 về việc bố trí nhà, đất để Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng quản lý, sử dụng làm nơi làm việc. Tổng diện tích sử dụng là: 1.336m2 để phục vụ hoạt động khởi nghiệp. Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng sẽ là hạt nhân của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng, hỗ trợ, kết nối các dự án khởi nghiệp với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng đã ban hành Quyết định số 981/QĐ-UBND ngày 13/4/2022 về việc phê duyệt Đề án quản lý, vận hành Khu Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) trong đó có Khu Không gian đổi mới sáng tạo được bố trí là 21.892,6 m2. Đây là văn bản quan trọng tạo tiền đề cho việc phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục phục vụ cho KNĐMST trong thời gian đến.
* Ngoài ra, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được quan tâm triển khai hiệu quả.
- Xây dựng, vận hành Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố (là hệ sinh thái khởi nghiệp số www.startupdanang.vn) gồm các thành phố trong hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố, mạng lưới chuyên gia, cố vấn, nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ KN, cơ sở ươm tạo, không gian làm việc chung, các cơ sở dữ liệu, cơ chế chính sách, nơi diễn ra các hoạt động kết nối, hỗ trợ thông tin ……
- Triển khai nền tảng triển lãm ảo Vr360 hỗ trợ giới thiệu các dự án, sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; ứng dụng nền tảng số Metaverse xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật số phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như hỗ trợ gói data center, cloud, chia sẻ dữ liệu số, cơ sở dữ liệu chuyên gia…cho startup.
- Hỗ trợ giải pháp công nghệ thông tin cho các mô hình kinh doanh truyền thống (2021-2022: hỗ trợ kinh phí cho 15 dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số).
- Đặt hàng và triển khai ứng dụng sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ứng dụng chuyển đổi số (dự án trí tuệ nhân tạo, voicebot, chatbot của startup vào hệ thống dịch vụ công, tổng đài trung tâm hỗ trợ du khách, tiêm chủng vacxin Covid-19).
- Tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp liên quan chuyển đổi số như Fintech Innovation, Festival Sáng tạo trẻ, Hackathon online; Khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên.
- Triển lãm trực tiếp các sản phẩm số, nền tảng số của startup như lễ ra mắt Làng Metaverse tại Đà Nẵng...
Box: Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam (Smart City Award Vietnam) là giải thưởng thường niên được VINASA tổ chức từ năm 2020 nhằm ghi nhận, tôn vinh, cổ vũ các đô thị, tổ chức, doanh nghiệp đã và đang có những đóng góp giúp các thành phố trở nên thông minh hơn, đáng sống hơn, có thương hiệu, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững.